Giá trị thiệt hại do bão Yagi của các tài sản được bảo hiểm ước tính 7.000 tỷ đồng
(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm chưa hết khó khăn, lại bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thì việc minh bạch thông tin về bảo hiểm, trong đó có hoạt động bồi thường, càng phải được đẩy mạnh.
Thông tin cần rõ ràng, tránh hiểu nhầm
Cơn bão số 3 năm 2024 – bão Yagi cùng lũ lụt với sức tàn phá lớn đã gây ra nhiều thiệt hại tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Chiều muộn ngày 12/9/2024, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, tính đến 17h cùng ngày, qua con số báo cáo từ các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe.
Ngày hôm sau (13/9), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho hay, tính đến thời điểm này, số vụ thiệt hại được các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận là hơn 9.000 vụ tổn thất có yêu cầu bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm tài sản (nhà máy công nghiệp, xưởng sản xuất, máy móc, thiết bị, hàng hóa), bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm nhân thọ, tổng số thiệt hại ước tính lên đến 7.000 tỷ đồng.
Hai thông tin về con số 7.000 tỷ đồng chưa thật rõ ràng, không rõ đây là tổng số tiền được bên mua bảo hiểm yêu cầu bồi thường hay là tổng số tiền thuộc trách nhiệm bảo hiểm, nhưng có cơ quan báo chí đưa tin, các doanh nghiệp bảo hiểm trên cả nước đã chi trả cho các thiệt hại do bão lũ gây ra về con người và tài sản với tổng số tiền là 7.000 tỷ đồng.
Thực tế, 7.000 tỷ đồng là tổng số tiền yêu cầu bồi thường bảo hiểm từ khách hàng bị thiệt hại do bão Yagi, chứ không phải là số tiền đã chi trả bởi các doanh nghiệp bảo hiểm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm xác nhận, 7.000 tỷ đồng là số tiền tạm tính về giá trị thiệt hại của các tài sản được bảo hiểm. Tất cả đều là ước tính, vì phần lớn công ty bảo hiểm chỉ kịp rà soát các tài sản được bảo hiểm và thiệt hại là như thế nào, chưa kịp hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường. Mục đích là xác định nhanh mức độ thiệt hại dự kiến để bước đầu tạm ứng hoặc bồi thường, giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Nguyên lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho rằng, ngày 12/9, việc Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm nói tắt “tổng số tiền khiếu nại bồi thường dựa trên số liệu khách hàng yêu cầu bồi thường – Claim made” thành “tổng số tiền đã chi trả bồi thường – Claim paid’ có thể gây hiểu lầm, sau này cần công bố rõ ràng hơn. Các công ty bảo hiểm mới chỉ tiếp nhận yêu cầu bồi thường, chưa chi trả vì còn phải xem xét, giám định, yêu cầu khách hàng cung cấp thêm thông tin…
Bồi thường bảo hiểm sau bão Yagi
Tạm ứng bồi thường nhanh nhưng cần chi trả toàn bộ cũng cần nhanh để không ảnh hưởng đến niềm tin đối với khách hàng.
Sau khi thông tin về con số 7.000 tỷ đồng được phát đi, cho đến nay đã có một số doanh nghiệp bảo hiểm công bố tạm ứng bồi thường và khẳng định, doanh nghiệp đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để tiến hành xác định thiệt hại và tạm ứng, chi trả bồi thường cho khách hàng nhanh nhất.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng đã có công văn đôn đốc các công ty bảo hiểm nhanh chóng, chủ động giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị thiệt hại do bão, lũ theo hợp đồng bảo hiểm và kịp thời báo cáo thông tin.
Ngày 10/9, AIA Việt Nam đã chi trả cho thân nhân của 5 khách hàng không may tử vong, gồm 4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh, với tổng quyền lợi bảo hiểm khoảng 6,5 tỷ đồng.
Ngày 11/9, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã PGI) đã bồi thường số tiền 100 triệu đồng tới gia đình khách hàng bị nạn do bão Yagi.
Ngày 13/9, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) tạm ứng bồi thường bảo hiểm tai nạn lái phụ xe và người ngồi trên xe trong vụ tổn thất sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ. Xe này tham gia bảo hiểm tai nạn cho lái phụ xe và người ngồi trên xe với mức trách nhiệm 20 triệu đồng/người.
Ngày 18/9, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã chi trả hơn 1,4 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm BIC Bình An cho khách hàng tử vong do bão Yagi.
Tính đến ngày 18/9, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có số vụ tổn thất lớn, tổng số tiền yêu cầu bồi thường của khách hàng lớn như Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh vẫn chưa công bố thông tin về tạm ứng bồi thường. Trong đó, Bảo hiểm PVI đang đứng đầu thị trường về tổng mức khiếu nại tổn thất. Tính đến chiều ngày 11/9, doanh nghiệp này ghi nhận 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).
Trước đó, trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng số tiền mà các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho khách hàng ước đạt 56.800 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Bà Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc điều hành Công ty Financial Insurance Services Vietnam cho biết, nhiều công ty bảo hiểm chia sẻ, để khắc phục hậu quả cơn bão số 3, với quỹ dự phòng dao động lớn về tổn thất, các công ty này cam kết đảm bảo quyền lợi bảo hiểm và hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.
Theo bà Thanh, tạm ứng bồi thường nhanh nhưng cần chi trả toàn bộ cũng cần nhanh để không ảnh hưởng đến niềm tin đối với khách hàng, bởi thực tế đã từng xảy ra các vụ khiếu kiện ra tòa, tranh chấp lớn, dù tạm ứng bảo hiểm nhanh.
Một chuyên gia bảo hiểm cho rằng, các công ty bảo hiểm cần công bố công khai, đầy đủ, liên tục cập nhật các tạm ứng bồi thường bảo hiểm về những thiệt hại sau bão Yagi. Báo chí, khách hàng bị thiệt hại nên theo dõi tiến độ chi trả của các doanh nghiệp bảo hiểm từng tuần, từng tháng, từng quý là bao nhiêu tiền. Cần làm rõ con số đã thực chi là bao nhiêu, có kèm theo văn bản, nếu không phải là con số như đã “hứa” thì cần nói rõ lại.
Đồng quan điểm, bà Thanh nói: “Cứ ít nhất mỗi tháng, báo chí lại cập nhật đưa tin về con số tạm ứng bồi thường của các công ty bảo hiểm, đề phòng trường hợp các công ty bảo hiểm hứa thì hay, làm thì dở. Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cần giám sát việc thực hiện chi trả này của các công ty bảo hiểm, giúp minh bạch bồi thường, minh bạch thị trường. Chúng tôi, người tham gia bảo hiểm cần biết thực tế số tiền đã chi ra là bao nhiêu, chứ không chỉ là con số ước tính bồi thường hay sẽ trả”.
Minh bạch sẽ giúp lấy lại niềm tin sau khủng hoảng
Trong nhiều năm qua, tình trạng thiếu minh bạch thông tin trên thị trường bảo hiểm nói chung, bồi thường bảo hiểm nói riêng được nhìn nhận là một trong những thách thức cần giải quyết.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, một trong những thách thức tác động trực tiếp đến doanh thu và hiệu quả sinh lợi của các doanh nghiệp bảo hiểm đó chính là vấn đề minh bạch thông tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ. Tình trạng tranh chấp khi xử lý bồi thường gây ảnh hưởng đến tâm lý người tham gia bảo hiểm cũng như cản trở sự phát triển của thị trường.
Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp để tăng cường tính minh bạch của thị trường và đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, các thông tin trên thị trường được cung cấp bởi Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các công ty bảo hiểm nhìn chung còn thiếu và chậm.
Minh bạch bồi thường nói riêng, các thông tin bảo hiểm được công bố công khai, đầy đủ, kịp thời được nhận định sẽ giúp ngành bảo hiểm lấy lại “hình ảnh”, nhất là sau giai đoạn khủng hoảng niềm tin năm 2023.