Quản lý tốt tài chính cá nhân là một kỹ năng mà ai cũng cần có để đảm bảo nhu cầu cuộc sống trong bất kỳ giai đoạn kinh tế nào. Cùng Prudential “điểm danh” các cách chi tiêu tiết kiệm hiệu quả để bớt lo âu về tài chính nhé!
Theo dõi chi tiêu hàng tháng
Đây là bước cơ bản trong quản lý tài chính: trước khi bạn có thể tiết kiệm, thì bạn cần biết nhu cầu chi tiêu tối thiểu của bản thân hàng tháng là bao nhiêu. Ngay hôm nay, ngay tháng này hoặc càng sớm càng tốt, bạn bắt đầu theo dõi thói quen và tình trạng thu chi hàng ngày của bản thân bằng một trong những cách sau:
- Sử dụng các ứng dụng như MoneyLover, MoneyKeeper
- Lập bảng theo dõi thu chi trong phần mềm Excel hoặc Google Sheet
- Lập bảng theo dõi thu chi bằng sổ tay (phương pháp Kakeibo)
Bạn nên phân loại các khoản chi tiêu vào những nhu cầu chính như:
- Thiết yếu: tiền nhà, xăng xe, ăn uống, thuốc men, khám chữa bệnh…
- Không thiết yếu: tiền ăn chơi, mua sắm, giải trí, hiếu hỷ, từ thiện…
- Đầu tư và tiết kiệm: gửi tiết kiệm ngân hàng, tiền đầu tư chứng khoán…
Chỉ cần theo dõi các khoản chi tiêu trong 1 đến 2 tháng, bạn sẽ nắm được nhu cầu cuộc sống của mình, từ đó, xác định các khoản có thể tiết kiệm, “chắt bóp” được.
>>> Có thể bạn quan tâm: ZBB hay phương pháp cho mỗi đồng tiền đều có một mục tiêu
Theo dõi thu chi để nắm rõ nhu cầu cuộc sống
Tạo thói quen tiết kiệm tiền ngay khi có thể
Ngay khi có thu nhập, bạn nên tạo thói quen tiết kiệm ngay từ 10% đến 20% số tiền thu vào. Đây là số tiền mà bạn dành dụm cho chính bản thân cho những lúc khó khăn hoặc khi nghỉ hưu.
Ngay trước khi nhận lương, bạn có thể đưa phần lớn số tiền còn lại từ tháng trước vào quỹ tiết kiệm. Đây là quỹ tiết kiệm dự phòng cho những lúc rủi ro không may xảy ra, như thất nghiệp, tai nạn, cấp cứu… Từ đó, bạn có thể dần dần xây quỹ dự phòng với số tiền tối thiểu 3 tháng chi phí sinh hoạt, đề phòng những lúc ‘bấp bênh’ không có thu nhập.
Ngay khi nhận lương cuối tháng, sau khi đã trả hết tiền nợ, bạn có thể chia nửa số tiền còn lại, và đưa một nửa vào một tài khoản tiết kiệm 2 tuần. Tuy tiết kiệm ngắn hạn nên lãi suất rất thấp, đây lại là một đòn tâm lý khá hiệu quả: số tiền trong tài khoản sẽ ngay lập tức ít hơn một nửa, khiến cho bạn cũng ‘chùn bước’ mỗi khi muốn chi tiêu cho những món không thiết yếu vào 2 tuần đầu tháng. Hơn nữa, bạn có thể đảm bảo đủ tiền chi tiêu cho nửa tháng sau.
>>> Có thể bạn quan tâm: Cách tiết kiệm tiền theo tuần đơn giản và có kỷ luật
Tiết kiệm ngay, tiết kiệm sớm và bền bỉ để ‘tích tiểu thành đại’
Giảm thiểu chi phí sinh hoạt
Chi phí ăn ở thường chiếm 60% – 80% thu nhập của người làm công ăn lương. Nếu có thể giảm thiểu chi phí này xuống khoảng 50% – 70%, bạn sẽ còn dư lại một khoản kha khá dành cho tiết kiệm hoặc đầu tư để tối ưu giá trị đồng tiền của bạn. Để làm được điều này, bạn cần học cách lên ngân sách chi tiêu hàng tháng thật sát sao. Bạn có thể tham khảo các kỹ thuật lên ngân sách chi tiêu như 6 chiếc lọ trong quản lý tài chính hoặc Nguyên tắc 50/30/20.
Chi phí sinh hoạt thường chiếm một phần khá nhiều trong chi tiêu gia đình
>>> Đọc thêm: Mách bạn cách tiết kiệm lương hàng tháng hiệu quả cho dân công sở
Hạn chế ăn ngoài
Ăn ngoài tiêu tốn khá nhiều tiền bạc, nhất là khi cả gia đình cùng nhau đi ăn. Ngay cả khi bạn độc thân hoặc sống một mình, nấu các món ăn đơn giản tại nhà cũng giúp bạn ăn uống lành mạnh hơn, với cùng một số tiền hay thậm chí với ngân sách ít hơn so với khi đi ăn ngoài. Để tiết kiệm nhiều hơn, bạn hãy học cách nấu các món đơn giản hàng ngày tại nhà và cố gắng hạn chế ăn ngoài, trừ phi quá bận rộn không có thời gian nấu ăn.
Nấu ăn tại nhà vẫn có thể giúp bạn tiết kiệm tiền dù sử dụng nguyên vật liệu có giá thành cao như cá hồi
Tái sử dụng đồ cũ
Các món đồ cũ trong nhà đều có thể được tái sử dụng, vừa giúp bạn tiết kiệm tiền mua sắm vật dụng thiết yếu, vừa hạn chế tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Trên mạng internet có rất nhiều ý tưởng tái sử dụng đồ cũ, bạn có thể tha hồ sáng tạo với những món đồ cũ và một số công cụ đơn giản như kéo, kim chỉ, băng keo. Quần áo cũ có thể cắt ra làm miếng vải lau bàn, hộp nhựa cũ có thể rửa sạch để làm hộp đựng đồ nhỏ.
Một chiếc quần jeans có thể được tái sử dụng để làm túi, giẻ lau, đồ lót ly, v..v…
Bán hoặc đổi vật dụng không cần đến
Nếu thật sự không có cách nào tái sử dụng món đồ cũ không cần đến thì sao? Vậy thì bạn có thể tìm cách bán hoặc đổi trên các chợ đồ cũ, cộng đồng hàng second-hand, hoặc trong khu dân cư ngay chỗ bạn ở hoặc với đồng nghiệp cùng làm việc. Vì “cũ người mới ta”, có thể món đồ không còn giá trị với một người, nhưng vẫn có nhiều giá trị đối với người khác.
Sử dụng cẩn thận để kéo dài tuổi thọ vật dụng
Dù vật dụng có rẻ hay mắc, thì cách sử dụng của bạn vẫn nắm vai trò quyết định đến độ bền của món đồ đó. Hãy sử dụng mọi đồ dùng mình sở hữu một cách cẩn thận, đúng mục đích, đúng cách để bạn không phải tốn tiền mua sắm quá thường xuyên.
Học mẹo sửa chữa cơ bản
Món đồ có sử dụng cẩn thận cỡ nào cũng sẽ có lúc hư hỏng, nhưng nếu bạn biết mẹo sửa chữa vặt thì có thể tiết kiệm một khoản kha khá. Các mẹo như sửa xe đạp, sửa quạt điện, thông bồn cầu, may vá đồ bung chỉ, sửa khóa túi, áo khoác… sẽ giúp kéo dài tuổi thọ món đồ, từ đó giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền sắm đồ mới.
Tận dụng khuyến mãi, mua gộp, mua sỉ
Những ai sành mua sắm sẽ biết tìm sản phẩm khuyến mãi, tìm ưu đãi mua gộp, mua sỉ, nhất là khi đang là lao động chính trong gia đình, có người phụ thuộc phải chăm sóc. Bạn có thể tham khảo và lưu ý thông tin trên các sàn thương mại điện tử, lên danh sách món đồ cần mua, tận dụng các voucher và phiếu mua hàng để có thể mua sắm với giá ưu đãi nhất.
Tuy nhiên, cần lưu ý là chỉ nên mua vừa đúng nhu cầu, vì khi giá có vẻ rẻ hơn bình thường thì chúng ta lại rất dễ sa đà vào việc mua sắm quá tay, mua cả những món không cần thiết từ đó gây ra tác dụng ngược.
Bán món không cần nữa có thể kiếm được một khoản tiền nhỏ
Hạn chế vay mượn
Vay mượn tiêu dùng thường có lãi suất cao, chẳng hạn, lãi suất thẻ tín dụng có thể lên đến 45%/năm, lãi suất vay ngân hàng là từ 6% đến 25% tùy từng ngân hàng, hình thức vay và mục đích vay mượn. Trước khi vay mượn, bạn cần cân nhắc thật kỹ lưỡng nhu cầu và mục đích, nhất là nguồn thu nhập để đảm bảo trả nợ vay đúng hạn. Trễ hạn trả nợ sẽ đẩy bạn vào hoàn cảnh nợ chồng lên nợ, tạo nên gánh nặng tài chính, có thể ảnh hưởng đến an toàn tài chính và cân bằng cuộc sống.
>>> Tin liên quan: Đừng để bản thân gánh nợ quá nhiều
Cách tiết kiệm cần phù hợp với quỹ thời gian và sức khỏe
Tiền, thời gian, và sức khỏe là 3 tài sản quan trọng của tất cả mọi người, và không phải lúc nào cũng có thể chu toàn cả 3 yếu tố.
>>> Có thể bạn quan tâm: Mẹo quản lý thời gian để làm việc tốt hơn, sống nhiều hơn
Ví dụ: bạn muốn tiết kiệm tiền mua đồ ăn ngoài, thì phải bỏ thời gian và công sức nấu ăn và dọn dẹp. Khi công việc bù đầu, cơ thể mệt mỏi, thì có thể bạn sẽ phải chịu trả tiền để đảm bảo ăn uống đủ chất. Vì thế, không nên chăm chăm vào việc tiết kiệm tiền mà hy sinh quá nhiều thời gian và sức khỏe nhé. Hãy tìm ra cách thức tối ưu để cân bằng chất lượng cuộc sống lẫn mục tiêu tiết kiệm trong dài hạn. Hy vọng bài viết trên đây của Prudential đã cung cấp cho bạn các mẹo thực tế, hữu ích để đạt được mục tiêu chi tiêu – tiết kiệm của bản thân.
>>> Xem thêm:
- Top các ứng dụng điện thoại hỗ trợ bạn quản lý chi tiêu
- Phương pháp quản lý chi tiêu hàng tháng cho gia đình hiệu quả
- Quản lý chi tiêu mỗi tháng đơn giản hơn bạn nghĩ!